Bộ môn công nghệ chế biến thủy sản - Khoa Công nghệ Thực phẩm - Trường Đại học Công Thương TPHCM được thành lập từ năm 2012.
Thực hiện chức năng quản lý và tổ chức giảng dạy các học phần thuộc chuyên ngành Công nghệ chế biến thủy sản.
- Nhiệm vụ của bộ môn:
- Thực hiện kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập, biên soạn chương trình, giáo trình các học phần do bộ môn đảm nhận giảng dạy.
- Tổ chức cho sinh viên thực tập tại các cơ sở sản xuất. Tự chịu trách nhiệm về chất lượng đối với các chuyên ngành đào tạo trước trưởng Khoa.
Bộ môn hiện có 10 cán bộ giảng viên đều có trình độ sau đại học. Trong đó có 06 giảng viên có trình độ tiến sỹ; 04 giảng viên có trình độ thạc sỹ.
Tập thể giảng viên bộ môn Công nghệ chế biến thủy sản
Đội ngũ giảng viên bộ môn có trình độ chuyên môn tốt, đa số giảng viên xuất thân từ Doanh nghiệp, được rèn luyện trong môi trường doanh nghiệp nên có nhiều kinh nghiệm thực tế đưa vào trong giảng dạy. Giảng viên có tuổi đời còn trẻ, khỏe, nhiệt tình trong công việc, ý thức chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuân thủ đúng nội quy, quy định của Trường, của Khoa. Quán triệt và nhận thức rõ, đúng đắn các chủ trương, chính sách, qui định của Trường.
Tất cả các thành viên bộ môn thủy sản đều có chung tâm niệm: Nhà trường/Khoa là ngôi nhà chung thứ 2, là nơi làm việc tốt nhất và phải giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ như chính ngôi nhà của riêng mình. Do vậy mọi thành viên trong bộ môn thuỷ sản đều thực hiện nghiêm túc, đúng các nội quy, quy chế, quy định của Khoa, của Nhà trường. Luôn chia sẻ, giúp đỡ, động viên kịp thời lẫn nhau trong công tác chuyên môn cũng như trong cuộc sống.
NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO
Công nghệ chế biến thủy sản là ngành đào tạo kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành thuộc các lĩnh vực thu mua, kiểm tra, đánh giá chất lượng nguyên liệu, sản phẩm và chế biến sản phẩm thủy sản phục vụ xuất khẩu và cho các hệ thống siêu thị nhà hàng trong nước. Cụ thể, người học được trạng bị các khối kiến thức về hóa sinh học thủy sản; Nguyên liệu thủy sản và công nghệ sau thu hoạch; Công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản đông lạnh; Sản phẩm thủy sản cao cấp; Nước mắm và sản phẩm khô thủy sản; Công nghệ surimi và sản phẩm tái cấu trúc; Đồ hộp thủy sản; Công nghệ rong biển và khoa học biển. Ngoài ra, người học còn được trang bị các nhóm kiến thức kiểm tra và đánh giá chất lượng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm và nhóm các môn học về quản lý sản xuất và thương mại thủy sản.
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
- Nhân lực trình độ đại học cho ngành Công nghệ chế biến thủy sản, cán bộ kỹ thuật
có kiến thức chuyên sâu ngành làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản;
- Kỹ sư tốt nghiệp có nền tảng căn bản, có thể tự học tập nâng cao trình độ, có thể tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia đào tạo chuyên môn ngành Công nghệ chế biến thủy sản;
- Người học có kiến thức cơ bản có thể tham gia về quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn Công nghệ chế biến thủy sản;
- Cá nhân có khả năng tự khởi nghiệp, tự phát triển kinh tế thủy sản, quản lý doanh nghiệp sản xuất và thương mại thủy sản
Các sản phẩm thủy sản
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ chế biến thủy sản có thể làm việc những vị trí như:
- Cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản (đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, cơ sở chế biến nước mắm, bột cá, dầu cá, sản phẩm giá trị gia tăng, surimi...), các cơ quan/tổ chức phân tích, kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.
- Cán bộ quản lý tại các Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất, các khu công nghiệp và khu chế xuất; các sở Khoa học và công nghệ; các sở Thủy sản trong cả nước.
- Nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ chế biến thủy sản;
- Cán bộ tham gia đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Công nghệ chế biến thủy sản;
- Cá nhân sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế thủy sản.