Bộ môn Công nghệ thực phẩm được thành lập vào ngày 1 tháng 10 năm 2010 nhằm đáp ứng các nhiệm vụ đào tạo trong thời kỳ mới của khoa Công nghệ Thực phẩm khi trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp.HCM được nâng cấp từ trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM. Bộ môn quản lý chuyên ngành “Công nghệ thực phẩm” làm nên thương hiệu của khoa, trường từ những ngày đầu thành lập.
Với những trang thiết bị hiện đại và đặc thù cho ngành nghề được trường ưu tiên đầu tư suốt các thời kỳ, bộ môn được giao nhiệm vụ đào tạo các học phần lý thuyết và thực hành cả 2 chuyên ngành Công nghệ thực phẩm và Đảm bảo chất lượng & An toàn thực phẩm ở các lĩnh vực: Công nghệ chế biến sữa; Công nghệ sản xuất rượu, bia, nước giải khát; Công nghệ sản xuất đường, bánh kẹo; Công nghệ chế biến thịt, trứng, thủy sản; Công nghệ sản xuất nước chấm, gia vị; Công nghệ sản xuất dầu thực vật…
Ngoài ra, bộ môn còn quản lý học phần Khóa luận tốt nghiệp và Thực tập tốt nghiệp của sinh viên tại hàng chục doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm có quan hệ đối tác với trường, khoa trong nhiều năm qua; giúp sinh viên sớm tiếp cận thực tế tại các nhà máy, nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc công nghiệp ngay khi ra trường.
Tập thể giảng viên cơ hữu và sinh hoạt chuyên môn của bộ môn gồm 10 nhân sự, trong đó có 2 Phó giáo sư- Tiến sĩ, 2 Tiến sĩ, 3 Nghiên cứu sinh và 3 Thạc sĩ.
Tập thể giảng viên Bộ môn Công nghệ thực phẩm
Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học là công tác không thể thiếu để nâng cao trình độ và chất lượng giảng dạy của giảng viên trong bộ môn. Các hướng nghiên cứu chính của bộ môn gồm: nghiên cứu phát triển các sản phẩm thực phẩm mới từ nguồn nguyên liệu thực vật và động vật, nghiên cứu thu nhận các hợp chất có hoạt tính sinh học từ thực vật.
|
TS. Nguyễn Đình Thị Như nguyện
Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm
|
Với đội ngũ giảng viên cơ hữu và sinh hoạt chuyên môn có học hàm, học vị cao, có kinh nghiệm lâu năm và mối quan hệ rộng rãi trong ngành, bên cạnh các giảng viên trẻ giàu nhiệt huyết, sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng các công nghệ mới; công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của bộ môn được triển khai thuận lợi. Bên cạnh đó, với các trang thiết bị chuyên ngành công nghệ thực phẩm ngày càng được đầu tư và hiện đại hóa, chương trình đào tạo được cải tiến và kiểm định liên tục đạt các chuẩn từ trong nước đến quốc tế như: MOET, AUN; ngành Công nghệ thực phẩm do bộ môn quản lý luôn là chuyên ngành nhiều triển vọng phát triển và được các thí sinh ưu tiên chọn lựa khi vào trường. Hy vọng rằng, bộ môn sẽ đóng góp cho sự phát triển chung khoa, trường trong đào tạo Tiến sỹ chuyên ngành Công nghệ thực phẩm trong tương lai không xa.