Tết đến, xuân về là dịp để gia đình có thể sum họp, quây quần đông đủ bên nhau, cùng kể nhau nghe những câu chuyện về cuộc sống mưu sinh, học tập, làm việc sau những ngày tháng xa nhà. Đây cũng là dịp cả nhà tất bật với những hoạt động ngày tết, với mong muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, Liên chi đoàn khoa CNTP đã tổ chức cuộc thi "Chuỗi sự kiện ngày tết" năm 2022.
Sau 2 vòng thi gây cấn, Ban tổ chức đã chọn ra được 3 tác phẩm xuất sắc đạt giải của cuộc thi như sau:
1/ Tác phẩm đạt GIẢI NHẤT của bạn Phạm Nguyễn Thanh Duyên – Chi đoàn 12DHTP6
Những ngày cuối năm, ai ai cũng đều cố gắng hoàn thành công việc của mình một cách nhanh chóng để chuẩn bị cùng gia đình đón chào năm mới. Trong suốt một năm qua, chúng ta không thể tránh khỏi những lần bất đồng quan điểm, dẫn đến cãi vã với gia đình. Đôi khi, gia đình vô tình đem đến cho ta sự áp lực: người lớn thì áp lực kinh tế, chuyện chăm lo cho con cái, trẻ nhỏ thì áp lực điểm số, chuyện học hành,... Với một năm đầy biến động vừa qua, chúng ta còn phải mang theo áp lực về việc phải bảo vệ sức khỏe, luôn luôn tuân thủ các quy tắc để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Có lẽ, dịch bệnh đã khiến mọi thứ bị trì trệ hơn rất nhiều, làm dang dở các kế hoạch, dự định trong tương lai, thậm chí còn để lại cho chúng ta nỗi đau đến xé lòng khi cướp đi những người mà ta yêu thương. Nhưng nếu nhìn vào mặt tích cực, chính khoảnh thời gian giãn cách - khi mà người người đều ở trong nhà suốt nhiều tháng ròng rã - đã âm thầm xóa đi rào cản vô hình giữa những lần gia đình xảy ra mâu thuẫn và giúp kết nối lại tình cảm giữa các thành viên trong nhà. Chúng ta được sống chậm lại, được ngồi ăn cùng gia đình đủ ba bữa một ngày, được quây quần bên ông bà, cha mẹ, con cháu,... Tất cả những việc tưởng chừng như là đơn giản ấy lại vô tình bị ta lãng quên vào ngày thường. Vào dịp Tết đến xuân về, chúng ta lại được cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa thêm quần áo mới để sẵn sàng cho những ngày Tết thật rực rỡ, quây quần bên nồi bánh chưng khói nghi ngút, và cùng nhau đi chùa vào những ngày đầu năm với mong muốn sẽ nhận được nhiều điều tốt lành và may mắn. Chính những khoảnh thời gian quý giá ấy đã đem đến sự chữa lành cho những lần mỏi mệt vì công việc, vì chuyện học hành của chúng ta. Sau tất cả, gia đình vẫn là nơi bình yên nhất, mà người nào có gia đình, sẽ đều là những người hạnh phúc nhất.
2/ Tác phẩm đạt GIẢI NHì của bạn Trần Thị Diễm My – Chi đoàn 11DHTP10
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Tết là nét đẹp văn hoá của người dân Việt Nam ta, là phong tục là truyền thống lâu đời. Và lì xì là một nét độc đáo, góp phần khiến cho không khí Tết thêm phần náo nhiệt. Phong tục lì xì vào ngày Tết cũng khá phổ biến ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,… Theo phong tục thì khoảnh mùng một, sau đêm giao thừa khi các thành viên trong gia đình tụ tập, quây quần về bên nhau thì trẻ em sẽ được người lớn lì xì kèm với những lời chúc cho năm mới. Phong bao lì xì thường có màu đỏ hoặc vàng và bên trong đó là một số tiền nhỏ, tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn, sức khoẻ và tài lộc cho mọi người. Ý nghĩa của việc lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, lời thật tâm và ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Thời gian trôi qua, có thể cách đón Tết của người Việt Nam ta có sự thay đổi nhưng lì xì vẫn là một nét văn hoá không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền này.
3/ Tác phẩm đạt GIẢI BA của bạn Lê Thị Hồng Thắm – Chi đoàn 11DHTP10
Vào mỗi dịp Tết, chúng ta thường làm các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, dưa món, mứt,… Và bánh chưng, canh khổ qua, lạp xưởng, chả lụa và dưa món là những món luôn có mặt trong những ngày Tết của gia đình tôi. Bánh chưng có ý nghĩa rất lớn trong ngày Tết, là dùng để gắn kết mọi thành viên trong gia đình khi mọi người cùng sum vầy lại nấu, là dùng để thắp hương cúng ông bà tổ tiên,… Cho dù là ở miền Bắc, Trung hay Nam thì bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể nói bánh chưng là món ăn được chờ đợi nhiều nhất, vì ngày Tết thưởng thức bánh chưng ngon và ấm áp nhất. Thường nhắc đến bánh chưng thì ta nhớ đến chả lụa. Miếng giò chả trông có vẻ dung dị nhưng lại là biểu tượng của sự phú quý, sang trọng, trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà. Bên cạnh đó là món canh khổ qua. Người Việt Nam ta chọn trái khổ qua vì tên đúng của nó là khổ qua, nghĩa là niềm hy vọng về mọi khó khăn, vất vả sẽ qua hết để năm mới suôn sẻ, may mắn. Loại trái này cũng có thể mua ăn quanh năm, nhưng khi Tết đến sẽ mang một ý nghĩa khác biệt. Có tô canh khổ qua trên mâm cơm ngày Tết ta thấy an tâm, như thể mọi khổ nhọc rồi sẽ qua, bước sang năm mới là mọi việc sẽ khác, sẽ “khổ qua”.
Và lạp xưởng mang sắc đỏ của sự may mắn. Theo quan niệm Á Đông thì nó mang ý nghĩa cầu chúc tốt lành đến với mọi người. Người Việt ta thường dùng lạp xưởng trong mâm cỗ dâng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Và cuối cùng không thể thiếu đó chính là củ kiệu. Củ kiệu ngâm là món ăn ngày Tết đặc trưng của người miền Nam, tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa, phú quý trong năm mới. Hiểu biết thêm về các món ăn ngày Tết khiến ta càng thêm yêu quý văn hoá truyền thống tốt đẹp của nước ta. Chúc quý thầy cô và các bạn năm mới vui vẻ, an lành.