Chiều ngày 11/5/2022, tại hội trường C, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề "Mycotoxins – Những điều cần biết". Buổi chuyên đề được tổ chức với sự tham gia của 2 chuyên gia là Giáo sư Gunther Antonissen (chủ tịch hội đồng Khoa học sức khỏe gia cầm của trường Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ) và Tiến sĩ Phan Thị Kim Liên (đại diện của dự án VN2017TEA (VLIRUOS), thành viên của tổ chức ISM - International Society for Mycotoxicology, Giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm - HUFI) đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, các giảng viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng của khu vực Tp.Hồ Chí Minh, miền Tây Nam Bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như gần 300 sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm.
Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề "Mycotoxins – Những điều cần biết".
Sau phần phát biểu khai mạc buổi chuyên đề, PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - trưởng khoa Công nghệ thực phẩm đã gửi tặng Giáo sư một phần quà lưu niệm cùng với bó hoa tươi thắm thay lời cảm ơn nhân dịp Giáo sư đến Việt Nam thăm và làm việc tại trường HUFI, đồng thời cũng hy vọng sẽ tiếp tục đón Giáo sư tham gia nhiều hoạt động hơn nữa tại khoa trong thời gian sắp tới.
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - trưởng khoa Công nghệ thực phẩm cảm ơn Giáo sư Gunther Antonissen đã tham gia chương trình
Với mong muốn chia sẻ rộng rãi các kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu về mycotoxins từng được thực hiện tại trường đại học Ghent, Giáo sư Gunther Antonissen đã trình bày 3 nội dung chính tại buổi chuyên đề gồm (1) những tác động của mycotoxins trên sức khỏe vật nuôi và các sản phẩm của vật nuôi; (2) các phương pháp phân tích định tính và định lượng đối với mycotoxins trong thức ăn vật nuôi và (3) những thành phần, hoạt chất có thể bổ sung vào thức ăn để khử độc mycotoxins. Thông tin mà giáo sư chia sẻ tại chuyên đề đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam như Công ty Cổ phần Chăn Nuôi CP Việt Nam tiếp cận gần hơn với các kết quả nghiên cứu chuyên sâu ở phòng thí nghiệm, qua đó dần chuyển tải các thành tựu của nghiên cứu thành những ứng dụng trong thực tiễn, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và phục vụ đời sống con người ngày một tốt hơn.
Giáo sư Gunther Antonissen trình bày tại buổi chuyên đề
Là người đồng hành cùng Giáo sư Gunther Antonissen trong các nghiên cứu về mycotoxins nhiều năm liền tại Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thị Kim Liên đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức liên quan trong lĩnh vực độc tố nấm mốc, đặc biệt là các độc tố trên lúa gạo. Đến với buổi chuyên đề, cô đã chia sẻ rất nhiều thông tin thiết thực về thực trạng tình hình nhiễm độc tố nấm mốc trong chuỗi cung ứng lúa gạo tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; việc đánh giá rủi ro ảnh hưởng của độc tố trên lúa gạo đến người tiêu dùng cũng như các biện pháp hạn chế nhiễm nấm mốc trên các sản phẩm lúa gạo. Đây cũng là vấn đề mà đại diện các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo đến tham dự chuyên đề như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch Vụ Green Vina, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Lương thực Long An… đang rất quan tâm. Thông qua những chia sẻ của cô Kim Liên, nhà sản xuất sẽ có góc nhìn rõ nét và toàn diện hơn về nguồn gốc, tác hại cũng như phương pháp để phân tích, đánh giá độc tố nấm mốc trên chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay. Đặc biệt đối với Việt Nam – quốc gia có sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo cao thứ 2 thế giới, các nghiên cứu chuyên sâu để hạn chế nhiễm độc tố nấm mốc trên các sản phẩm lúa gạo nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung là vô cùng giá trị và có nhiều ý nghĩa.
|
|
Tiến sĩ Phan Thị Kim Liên trình bày tại chuyên đề
Đối với giảng viên, sinh viên HUFI cũng như các trường đại học, cao đẳng lân cận đến tham dự chương trình, những kiến thức được chia sẻ tại chuyên đề thực sự rất thú vị và bổ ích. Những thông tin này sẽ là nguồn cứ liệu có giá trị để tham chiếu khi thực hiện các nghiên cứu về độc tố nấm mốc ở nhà trường.
Đại diện doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên hào hứng trao đổi cùng các chuyên gia tại chuyên đề
Buổi chuyên đề kết thúc sau phần trò chơi kiến thức dành cho các bạn sinh viên tham gia chương trình. 5 sinh viên có nhiều câu trả lời đúng và nhanh nhất bộ câu hỏi tổng hợp của Giáo sư đã nhận được những phần quà lưu niệm hấp dẫn của chương trình. Chắc chắn rằng trong thời gian sắp tới khoa Công nghệ thực phẩm sẽ tiếp tục kết nối và tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt học thuật không kém phần thú vị và hấp dẫn như chuyên đề này, qua đó tạo cơ hội để giảng viên và sinh viên khoa kịp thời cập nhật những công bố khoa học mới trên thế giới.
Khách mời, lãnh đạo khoa công nghệ thực phẩm chụp hình lưu niệm với các chuyên gia tại chương trình