Chiều ngày 26/7/2022, khoa Công nghệ thực phẩm - trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề "Quản trị an toàn thực phẩm trên cơ sở khoa học - Science-Based Food safety Governance" cùng sự tham gia của đại diện đến từ cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, giảng viên đến từ các trường bạn và gần 300 sinh viên của khoa. Buổi chuyên đề được dẫn dắt bởi Giáo sư Liesbeth Jan Arlette Jacxsens - chuyên gia lĩnh vực Quản lý an toàn thực phẩm, giảng viên giảng dạy tại bộ môn Công nghệ thực phẩm - An toàn thực phẩm và sức khỏe, khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ cùng sự hỗ của Tiến sĩ Phan Thị Kim Liên - đại diện dự án VN2017TEA -VLIRUOS, thành viên của tổ chức ISM - International Society for Mycotoxicology, Giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm – trường HUFI.
Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề " Quản trị an toàn thực phẩm trên cơ sở khoa học"
Sau phần phát biểu khai mạc buổi chuyên đề, PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - trưởng khoa Công nghệ thực phẩm đã gửi tặng Giáo sư Liesbeth một phần quà lưu niệm cùng với bó hoa tươi thắm để bày tỏ lòng cảm ơn nhân dịp Giáo sư đến Việt Nam thăm và làm việc tại trường HUFI, cũng như hy vọng sẽ tiếp tục đón Giáo sư tham gia nhiều hoạt động hơn nữa tại khoa trong tương lai.
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy - trưởng khoa Công nghệ thực phẩm cảm ơn Giáo sư Liesbeth Jan Arlette Jacxsens đã tham gia chương trình
Trên tinh thần chia sẻ rộng rãi các kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu về Phân tích, đánh giá rủi ro dựa trên các dữ liệu khoa học và ứng dụng để xác định các chiến lược quản lý an toàn thực phẩm đã và đang được thực hiện tại trường đại học Ghent, Giáo sư Liesbeth đem tới buổi chuyên đề những góc nhìn chuyên sâu trong hoạt động quản lý an toàn thực phẩm như (1) Đánh giá rủi ro dựa trên bằng chứng khoa học - thu thập dữ liệu, cách tiếp cận định lượng (quantitative approach), đánh giá phơi nhiễm (exposure assessment) …(2) Các tiêu chí và yếu tố để chọn lựa biện pháp kiểm soát. Ra quyết định đa tiêu chí trong quản lý rủi ro. (3) Những chiến lược làm giảm rủi ro trong quản lý mối nguy ở Châu Âu.
Thông tin mà giáo sư chia sẻ tại chuyên đề cung cấp thêm một góc nhìn mới trong hoạt động đánh giá rủi ro, quản lý an toàn thực phẩm, giúp cho các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam tiếp cận gần hơn với các kết quả nghiên cứu chuyên sâu ở phòng thí nghiệm, dần chuyển tải các thành tựu của nghiên cứu thành những chiến lược cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và phục vụ đời sống con người ngày một tốt hơn.
Giáo sư Liesbeth Jan Arlette Jacxsens trình bày tại buổi chuyên đề
Đồng hành cùng với Giáo sư Liesbeth Jan Arlette Jacxsens trong nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của độc tố nấm mốc trên nông sản thực phẩm tại Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thị Kim Liên tích lũy nhiều kinh nghiệm và kiến thức liên quan lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt với nhóm mối nguy từ độc tố nấm mốc trên lúa gạo. Đến với buổi chuyên đề, cô Kim Liên đã chia sẻ chi tiết kết quả của nhóm nghiên cứu về thực trạng nhiễm các loại độc tố nấm mốc trên một số sản phẩm lúa gạo tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong giai đoạn 2017-2019; trên cơ sở đó đánh giá rủi ro ảnh hưởng của các độc tố này trên lúa gạo đến vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời hoạch định các chiến lược hiệu quả nhằm hạn chế nhiễm nấm mốc trên các sản phẩm lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tiến sĩ Phan Thị Kim Liên trình bày tại chuyên đề
Nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại chuyên đề là vấn đề mà đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại Việt Nam đang rất quan tâm hiện nay. Làm thế nào để việc đánh giá rủi ro các mối nguy trong an toàn thực phẩm thực sự hiệu quả, định lượng các rủi ro này như thế nào và các biện pháp hữu ích nào được xác định để ứng phó tình huống thực tế là những câu hỏi đang dần được làm sáng rõ. Đối với giảng viên, sinh viên HUFI và trường bạn, những kiến thức được chia sẻ tại chuyên đề thực sự rất thú vị và bổ ích. Nội dung chuyên đề cũng là nguồn cứ liệu có giá trị để tham chiếu khi cập nhật nội dung chương trình đào tạo các ngành Công nghệ thực phẩm, Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, của khoa và nhà trường trong tương lai.
Giảng viên, sinh viên lắng nghe và trao đổi với chuyên gia tại chuyên đề
Buổi chuyên đề kết thúc sau phần trao đổi và giải đáp trực tiếp giữa giáo sư và người tham dự. Hy vọng, khoa Công nghệ thực phẩm sẽ tiếp tục kết nối và tổ chức nhiều chương trình chuyên đề chuyên ngành thú vị nữa trong tương lai không xa.
Đại diện Ban chủ nhiệm khoa, diễn giả và các khách mời chụp hình lưu niệm tại chương trình